XtGem Forum catalog
CHATTHUGIAN.MOBIE.IN
kính chào qúy khách

TRANG CHỦ
Truyện Teen   Ngôn Tình   Đam Mỹ   Bách Hợp   Tử Vi   Truyện Tranh  
Facebook  Xổ Số  Dịch  Tải Game  Báo  Tiền Ảo Bitcoin 

  Thành Phố Không Mặt Người


Phan_7

“Vâng, xin cám ơn những tràng vỗ tay nồng nhiệt của khán giả. Chính khán giả mới là những người giúp chúng tôi thành công và định hình trong giới giải trí này, xin cám ơn rất nhiều…”

Lửa tụ lại chân dung của tôi. Gương mặt rạng ngời dần bị méo. Nhìn tôi trong ảnh y như đang tự thiêu. Với thứ chất liệu cuối cùng, lửa bùng lên cháy thành một màu ngũ sắc rất rực rỡ, chói lòa. Căn phòng bừng lên một khoảnh khắc những gương mặt người.

Tôi thả cái thứ đó xuống chậu nước rửa phía dưới. Vụn đen. Khói. Và tiếng xèo xèo như từ biệt.

Tôi vỗ tay.

11. Đời tựa phiêu sinh

Truyện ngắn của Thẩm Hạ

1.

Đám ma Lệ Đào đông nườm nượp, đầy những hoa lan, hoa hồng và những lời thương tiếc có cánh. Túc trực hai bên quan tài là hai chàng Dũng Sĩ mặt xanh rờn đầy âm khí. Một là chồng, một là người yêu.

Khi làm lễ di quan, Bảo Ngọc, con trai nàng nhất định phải lật ngược di ảnh, ai nói thế nào cũng chẳng thể thay đổi. Vì sợ qua “giờ tốt”, thuận cả lịch Tây lẫn lịch Ta là chín giờ sáng ngày chín tháng chín năm hai nghìn linh chín, nên gia đình nàng đành phải chiều ý đứa trẻ nhỏ mà cho xoay ảnh thờ đi vậy. Chỉ khi người phó nháy chuẩn bị vào kiểu và gia đình nhà tang lễ xoay chuyển theo những “tư thế” nghiêm trang, người họ hàng của nàng mới giằng co với đứa bé để ảnh của nàng được ngay ngắn. Thành ra, trong cái nghiêm trang của lễ tiễn đưa lại có cái sự hài hước của một cuộc “đấu” nho nhỏ.

Quả thực là một cảnh trí lạ lùng.

2.

Càng lạ lùng hơn bởi ngay lễ hạ huyệt, một cao thủ Tướng số đến gặp anh trai Lệ Đào mà rằng, “Tôi vừa quan sát thấy thân mẫu của Đào đã tạ thế đúng ngày này, ba năm về trước. Theo kinh nghiệm dân gian, đây là tang trùng tang, và có lẽ trong thời gian ngắn nữa chúng ta phải làm lễ cải táng hoặc một vài lễ gì đấy, kẻo ba năm sau thằng cu Bảo Ngọc….”. Người thầy tướng số tử vi bỏ lửng câu nói. Người anh duy nhất của Đào, người còn sót lại cuối cùng của chi họ Phạm Lê, vội sụp lạy mà rằng, “Vâng, cháu biết rồi. Để mọi việc qua đi cháu sẽ nghĩ cách”. Anh quay đi, nước mắt lưng tròng, không hiểu vì thương em, lo sợ cho cháu trai hoặc giòng dõi gia tộc?

Vừa hay thằng bé Bảo Ngọc như được nhắc đến, chạy loanh quanh khắp khu huyệt mộ, miệng cười tươi roi rói. Ai trông qua cũng xót xa cho Lệ Đào và cháu nhỏ, nó còn bé quá đã biết buồn là gì đâu? Trong nụ cười nhiều âm sắc của nó, trong dáng vẻ vô ưu của nó, dường như lại có điều chi bất ổn. Miệng nó cười mà mắt và nét mặt lạnh tanh, hệt như chàng Sĩ, bố nó. Trong cái buồn và sự hiu hắt của một người trẻ tuổi chịu tang vợ, đôi lúc lại ánh lên cái đắc ý ngầm, và tinh mắt lắm mới thấy được sự thỏa mãn tiềm ẩn trong tướng mạo lạ lùng của một người sát vợ, hại con.

3.

Đáng ngạc nhiên vô cùng là mẹ chồng của Lệ Đào, bà Chuẩn, là người nghiên cứu tử vi hai mươi năm có lẻ. Vì thế, khi Lệ Đào còn sống, bà một mực chối bỏ nàng dâu tươi xinh. Trong lá số tử vi của nàng, dường như bà đã đọc được điềm báo trước của ông Thiên: Đào Hoa Kình Dương thủ mệnh, Thái âm hãm địa Thái Dương mờ ám chiếu về- đây là cách cục của người đàn bà có khả năng làm nhiều gia đình tan nát. Vì thế, bà Chuẩn hết sức can gián con trai, nỗ lực ruồng bỏ cô con dâu có nguy cơ làm tán gia bại sản của mình. Trong sự hy vọng tròn vẹn đắc đạo cho gia phong oanh liệt của mình, dường như bà Chuẩn cố hành xử như thể cái tên bà được mang.

Bà chỉ không biết rằng, ngay khi bà bắt đầu lao vào cuộc chiến để rẫy bỏ Lệ Đào, chính bà đã thay nàng trả nghiệp làm người phụ nữ khiến gia đình tan nát. Chính bà, chứ không phải Lệ Đào, là người phá hoại hạnh phúc của gia đình mình, và của tiểu gia đình con trai độc đinh của bà.

Nguy hại thay sự vi diệu của tạo hóa, ai mà biết trước và tưởng rằng mình có thể hóa giải nó, người đó tất chịu tai họa đầu tiên. Và bà Chuẩn, tử vi xem số cho người, hại thay, đã quên mất phải xem lá số ình. Mà có khi, với sự đắc thắng của một người sống đời nhiều nghịch cảnh mà vẫn vượt lên được, bà còn tự ình đang làm đúng?

4.

Cho đến khi mất, trên danh nghĩa, nàng Lệ Đào vẫn chỉ có một chồng. Oái oăm là, chỉ còn đúng một tuần nữa sau cái chết của nàng, thì nàng sẽ được cấp giấy ly hôn. Vậy là, “chỉ có cái chết mới chia lìa đôi lứa”, hệt như lời nàng đã cầu xin vào cái ngày nàng nhờ thầy bói chọn giúp cho ngày tốt mà làm lễ hợp hôn. Trong sự dao động mãnh liệt của người con dâu bị từ chối, trong tình yêu say đắm của người con gái trẻ, nàng đã quyết chí lấy cho bằng được chàng Sĩ, bất kể những trở ngại về không gian, về địa lý và cả của bà mẹ chồng cao tay ấn. Quả tình, dường như mối tình của nàng đã động lòng Thiên, chàng Sĩ và nàng bao lần hợp tan, tan hợp, mà vẫn chưa đủ cấu thành một sự chia lìa. Kể cả khi ra tòa ly hôn sau nhiều lần hòa giải, số mệnh trêu ngươi vẫn cho nàng được làm gái có chồng khi đã lìa đời.

Và thế là, chàng Sĩ tội nghiệp một đời bị mẹ bức bách, một thời điêu đứng vì nhan sắc Lệ Đào, một tấm lòng đau đớn ngày ra tòa để được cấp phép lìa xa, lại phải túc trực bên linh cữu, lạy tạ biết bao người thân đến viếng Lệ Đào.

Thực là ngậm ngùi và nhiều oan trái.

5.

Chàng Sĩ nào phải người hiền lành nhu thuận, dù cái vẻ ngoài tưởng chừng nho nhã của chàng dễ dàng đánh lừa nhiều người. Giọng nói chàng êm nhẹ, nghe như tiếng đàn, tiếng nhị, từng lời nói của chàng cũng ngọt, cũng thanh. Tuy bề ngoài chàng không có gì đặc sắc, nhưng chính cái hình dong kém nổi trội lại cho người phụ nữ đa truân cảm giác an tâm vì được kề cận: chàng là một người an toàn, vô hại, một người đàn ông của gia đình. Sự thực cũng chứng tỏ điều ấy: bất kể bao lần Lệ Đào xé mấy lần rào, chàng Sĩ vẫn là một nơi rộng mở để nàng trở về.

Lạ thay, đối nghịch với ngoại hình ung dung, mảnh dẻ là nhiều chấm phá trần tục trong lối sống và sinh hoạt của chàng. Tướng ăn của chàng là một điểm đáng nói. Chàng ăn uống cũng không nhiều, song toàn tợp những miếng to, đặc biệt thích ăn thịt cả tảng lớn. Trong khi ăn, mồ hôi chàng đổ rào rào, thấm ướt cả áo trong lẫn áo ngoài. Dù trời mưa to gió lớn, dù bão hay đông lạnh, mồ hôi vẫn thi nhau đổ xuống như mách bảo về sắc dục vô độ của chàng. Chàng nhai tóp tép, hở miệng, như thể tính xấu không giấu được mãi, dù khi trò chuyện răng chàng không lộ qua môi đích thực là biểu hiện của sự khôn ngoan, giữ ý. Trên gương mặt sáng sủa vầng trán cao lồ lộ, đôi tai dài, đôi môi hồng tươi thanh tú của vị tiến sĩ trẻ là đôi mắt thỉnh thoáng lộ thần của tù hãm, u ám của lòng nghi ngờ, thủ thế, và đặc biệt là nốt ruồi “trích lệ chia phu” ở cả hai bên má như báo trước điềm tang chế ở Phu thê.

Tiếc nay Lệ Đào chỉ là một nữ nhi thường tình, làm sao thấy được những biểu hiện đó trong nội tâm và cả ở sắc tướng của chồng. Lệ Đào lại phải đối phó với sinh kế, với bà mẹ chồng, sinh con đẻ cái. Nàng cũng chẳng phải là một người logic lắm để hiểu rằng, tất thảy cái tính cách của chồng mình là do giáo dục gia đình mà nên. Đối với một người đàn bà đứng tuổi, một người mẹ, mà chỉ dùng lá số tử vi như một phương tiện để hành xử thiếu tình người, hụt lòng nhân ái, thì vị tất chàng Sĩ sẽ chỉ đối phó với nàng như thể một công cụ trong tay mà thôi. Với cái thiên phú thư sinh nho nhã của mình, chàng Sĩ sẽ chẳng bao giờ có thể dám phản đối mẹ như cưỡng đạo Trời. Trong cái cung kính bề trên có sự ngấm ngầm chấp nhận điều sai trái mà không dám phản đối, và bao bức bí thì dồn hết cả về tiểu gia đình. Hệt như bao tinh anh đã phát tiết ra ngoại hình nom thì đẹp đấy, nhưng sắc thái xấu xa thì đổ dồn về một cái tướng ăn ở vậy.

Và vì thế, tuy mở cửa đón Lệ Đào trở về nhiều lần, trái tim chàng Sĩ vẫn cứ lạnh băng như thể được đúc bằng thép khối, chẳng khác gì báo hiệu trước rằng Lệ Đào sẽ phải tiếp tục ra đi, dù nàng phải nuốt lệ rất nhiều lần để dựng xây từ đổ vỡ. Mới hay, cố gắng từ một phía không thôi chưa đủ, từ hai phía cũng chưa đủ thay!

6.

Cần có thêm một “chân” nữa để quan hệ của họ được bền vững như kiềng ba chân. Chàng Dũng là cái chân thứ ba đó. Đồng cảnh tương lân, họ lao vào nhau khi cả hai cùng đang ly thân với nửa kia của mình. Ngược với chàng Sĩ so đo tính toán, thêm thiệt bớt hơn là chàng Dũng xởi lởi chân tình, cho đi không cầu báo đáp. Chàng đối với Lệ Đào bao gồm cả thái độ của một người cha với con gái bé bỏng, một người anh đối với em, và một người bạn đối với bạn. Nếu chàng Sĩ là một chiếc chậu cảnh để nuôi cây Đào kiểng, thì chàng Dũng là cả một khu vườn bất tận và cả một người làm vườn kỳ công.

Ba hôm liền mưa gió, chàng túc trực bên linh cữu Lệ Đào, không từ nan những việc linh tinh mà hai gia đình tang chế không làm xuể. Ấy vậy mà, đến giờ khâm liệm, động quan, di quan, chàng Dũng tịnh không xuất hiện bên cạnh, bởi chàng tin rằng tuổi của chàng và Lệ Đào không hợp nhau, sự có mặt của chàng làm cho người quá cố thêm vương vấn. Chàng không khóc, không đon đả đón chào khách như bà Chuẩn, cũng không kể lể những câu chuyện liên quan đến Lệ Đào với khách khứa như chàng Sĩ. Người tinh ý nhìn chàng vẫn thấy bình an vô sự, không một tẹo u ám như chàng Sĩ. Chỉ có thầy Tướng pháp lâu năm mới nhận ra cái sự đại tang trình bày trên gương mặt phúc hậu.

7.

Trong những câu chuyện hai chàng ôn lại kỷ niệm với Lệ Đào với khách viếng tang lễ, chàng Sĩ tịnh nói đến việc giải thoát, tịnh độ, và nói về nỗi lòng chàng của những ngày đau khổ bên Lệ Đào; trong khi chàng Dũng thì chỉ một mực, “tôi vẫn cảm giác nàng còn đang kề bên” khi nói về những niềm vui sướng của hai người yêu được ở bên nhau.

Kể ra, câu chuyện tình yêu của Lệ Đào với người chồng đã đến hồi kết, còn với chàng hôn phu thì chỉ mới bắt đầu.

8.

Đoạn kết đám ma Lệ Đào lại là một câu chuyện bi hài khác nữa. Người cao thủ Tướng Số đến chia buồn với cao thủ Tử vi, bà Chuẩn. Trong một lời tiên tri, vị cao thủ Tướng Số đề nghị bà Chuẩn thu xếp cho Bảo Ngọc được đi nước ngoài ăn học để tránh bị vắn số. Bà Chuẩn cười khẩy, “Này bác ơi, thằng bé nhà nháu Tham Lang ngộ Tràng Sinh, nó phải sống lâu bằng ông Bành Tổ ấy chứ!”. Lão thầy Tướng số ma quái gật gù, “tôi sẽ cho chị xem bàn tay với đường Sinh Mệnh nát bét của Bảo Ngọc”. Nói rồi, lão thầy ma mị túm lấy thằng bé đang khóc thét, giật ngửa bàn tay nó ra. Thằng bé cứng đầu vù té chạy, hệt như cái thái độ can trường của nó lúc lật ngược di ảnh của mẹ nó vậy. Nó khóc lu loa, tiếng khóc lại nghe rinh rích như tiếng cười, mắt tịnh không giọt lệ.

Hai vị cao thủ nhìn nhau. Bà Chuẩn hiên ngang trong cương vị một người chủ nhà đầy quyền uy cao giọng hỏi, “Này, bác kia, thế bác bảo xem trong tướng con dâu nhà tôi có cái yểu tướng nào không?”. Lão thầy Tướng số bèn gật gù ra chiều tâm đắc, rồi mới thủng thẳng vuốt râu mà rằng, “Tịnh không một nét yểu tướng nào ở Đào nữ nhà chị, Tử vi của cháu được sao Dưỡng của vòng Tràng Sanh là tốt lắm. Tuy nhiên, nếu có nghiên cứu sâu về tử vi và tìm hiểu thêm về Địa Kiếp thủ Mệnh, thì sẽ hiểu rằng, ai có Địa Kiếp ở Mệnh thì sẽ phải trả giá cho lỗi lầm của chính mình gây ra ở ngay tại kiếp này.” Dừng lại một chút để thưởng thức cái kinh ngạc của bà Chuẩn trước sự hiểu biết của người mà từ đầu đến giờ bà rất xem thường, lão thầy Tướng số tiếp tục, “Tuy nhiên, Lưu Hà đóng ở Thiên Di có phần dự báo rằng Lệ Đào phải hết sức cẩn thận về đường sông nước khi đi xa, Kình Dương Tí Ngọ Mão Dậu như thế nào thì chị đã biết rồi đấy. Xin mời chị tiếp tục thưởng thức tính toán những sao lưu và luận ra dễ dàng giờ tạ thế của Lệ Đào”.

Nói xong lão tướng số cúi chào và lững thững che ô đi ra. Bầu trời đột nhiên quang đãng, một con bướm vàng từ đâu đó trong nghĩa trang chấp chới bay đến, đậu mãi trên vai lão thầy tướng. Bà Chuẩn sắc mặt từ xanh dần chuyển sang vàng bủng rồi ửng hồng, rồi hóa xám, rồi đỏ và cuối cùng đen sì trở lại. Bà lảo đảo dựa vào một gốc cây, may mắn là thằng bé Bảo Ngọc chạy đến nói cười làm bà tĩnh trí lại. Nó xòe tay vòi bà bồng nó, và trong một khoảnh khắc thần diệu bà đột nhiên nhìn thấy đường Sinh Đạo gập ghềnh của thằng cháu đích tôn của mình.

9.

Có những tiếng thở dài nặng nề như thể rừng cây xào xạc lá. Bát hương bỗng rùng rùng cháy đỏ lần thứ hai trong ngày. Một người đàn ông trong ca đoàn vội vã dập tắt, và trong lúc hấp tấp cứu lửa, một quả lê và một quả đào từ mâm trái cây bỗng lăn ra. Chàng Dũng rùng mình nhớ lại có lần nàng Lệ Đào kể rằng, có vị tu hành từng khuyên nàng nên cải tên thành Lê Đào để được hưởng phước duyên. “Cũng chưa muộn lắm,” chàng Dũng thở dài và thầm nghĩ sẽ thêm tiền cho người khắc bia mộ để viết “sai” tên Lệ Đào một tẹo.

Rừng cây lại xào xạc lá.

Thủ Đức, Tháng 9, 2009

12. Trả thù

Truyện ngắn của Nguyễn Thị Sa Kha

Mụ vợ gục xuống, tức tưởi. Cả thân hình phốt phát, béo ị nung núc rung lên theo nhịp nấc. Chiếc bàn con rung lên theo. Chiếc ghế nhựa có vẻ là thứ chịu đựng nhiều nhất - cũng nhấp nhổm theo cái nhịp đớn đau của mụ. Minh bình thản đứng nhìn. Không rung động. Không cảm giác.

Gã chồng cúi gằm mặt xuống đất - cái hành động muôn thuở của những kẻ tội đồ. Di di chân mạnh xuống mặt xi-măng loan lỗ, tưởng chừng, không làm vậy, hắn sẽ không bám trụ được, sẽ bốc hơi và bay mất. Không nói được lời nào. Không còn xun xoe nịnh nọt hay dối trá. Minh vẫn bình thản đứng nhìn. Không xúc cảm.

Nhìn chán chê, Minh đứng dậy một cách từ tốn, chậm rãi, điềm tĩnh - những thứ Minh những tưởng đã vĩnh viễn rời khỏi mình trước đó chỉ một đêm - cười nhạt: “Thôi, tôi về, anh chị cứ từ từ giải quyết!”. Mụ vợ bật dậy theo, lao đến, chụp mạnh tay vào bờ vai thuôn gầy của Minh. Minh lại cười nhạt: “Chị muốn gì? Giải quyết bằng tay chân à?”. Mụ vợ rống lên như bị chọc tiết: “Tao giết mày, con hồ ly tinh”. Minh không phản ứng gì ngoài tiếp tục nụ cười lạt của mình. Trơ mắt nhìn mụ, đợi chờ… Gã chồng lao đến, gỡ tay mụ vợ khỏi vai Minh: “Thôi! Về! Về nhà nói chuyện!”. Mụ vợ gào thét trong nước mắt: “Nói gì? Hả? Còn gì để nói nữa? Đâu là nhà? Đó còn là nhà của anh sao?”. Gã chồng lặng im. Minh khe khẽ cau mày, thách thức: “Muốn gì thì nhanh lên, tôi còn phải về!”. Mụ vợ nghiến răng ken két, giựt mạnh tay khỏi tay gã chồng, xấn xổ đến Minh: “Đồ mặt dầy. Đi giựt chồng người ta mà còn trơ tráo!”. Minh cười lớn: “Ăn nói cho cẩn thận. Tôi mà muốn giành giựt, chị chẳng có cơ hội mà nhìn thấy cái vẻ hèn nhác đó đâu!”. Vừa nói Minh vừa ngất mặt về phía gã chồng vẫn cúi gằm mặt gần đó… Nói rồi, Minh quay bước đi thẳng. Bỏ lại phía sau gã chồng hèn hạ lặng im và mụ vợ thình thịch giậm chân xuống đất: “Trời ơi là trời!”…

Mẹ đưa Minh ly chanh đá mát rượi, thở dài đánh sượt: “Nó có đáng để con phải đau khổ vậy?”. Minh lắc: “Con đau khổ gì đâu, mẹ!”. “Còn chối nữa! Con soi gương, nhìn lại con đi, người không ra người, ma chẳng ra ma” - mẹ lại thở dài, quay ra. Minh vục mặt vào gối, nén tiếng khóc.

*****

Tiếng Việt là thứ ngôn ngữ phức tạp, rất phức tạp! Yêu - ghét là hai từ Minh liệt vào danh sách những “tính từ biểu cảm”. Thế rồi, đã có người xuất hiện - một người mà vốn kiến thức ngôn ngữ không bằng một phần trăm của Minh - chứng minh cho Minh biết “yêu” là động từ và “ghét” cũng là động từ. Ngặt cái nỗi, những gì hắn chứng minh, Minh buộc phải thừa nhận là đúng!

Khi hắn đổ lên người Minh, hì hục thở gấp cái hơi thở thèm khát của hắn dọc cả cơ thể Minh, hắn đã bảo: “Cho anh… yêu em nhé!”. Minh gật! Không phải chỉ là Minh đồng tình với lời đề nghị của hắn. Minh gật, vì Minh phải thừa nhận, ở đây, “yêu” rõ ràng là động từ.

Khi Minh cáu giận, khóc lóc, hắn chỉ ngồi lặng im. Đến cái nắm tay hắn cũng chẳng buồn nghĩ đến. Minh lại khóc, hỏi hắn: “Tại sao?”. Hắn thờ ơ: “Sao em hay thích dằn vặt mình? Anh ghét em như vậy! Và, đã ghét thì không thèm đụng tới nữa!”. Minh ơ hờ nghĩ: “Hóa ra, ghét vẫn chỉ là tính từ, chỉ là, cái tính từ ấy quyết định một động từ liên đới. Thế, có thể hiểu rằng, ghét là một động từ thụ động…”.

Minh yêu hắn - vô tư, mù quáng - mà ngay cả tự bản thân Minh cũng không hiểu vì sao mình lại yêu. Hắn quá bình thường - nếu không muốn gọi là tầm thường - so với Minh. Nhưng, Minh yêu và cứ yêu, không cần lý giải, bởi, nếu lý giải được, thì đó không còn là tình yêu.

Hắn yêu Minh - có lẽ thế - cũng có những thứ mù quáng vô cùng. Ví như, giữa đêm, hắn mặc kệ tiếng khóc của con, lao ra đường, chạy đến tìm Minh, chỉ để nói: “Anh yêu em!” rồi về! Yêu Minh, hắn trẻ con và ỷ lại. Nhưng, Minh thích thế! Có lẽ, bởi Minh quen với chuyện người khác dựa dẫm vào mình.

Minh ghen, ghen kinh khủng. Người duy nhất Minh không ghen - vì Minh không có quyền ghen - đó là vợ hắn. Minh hay tự nhủ với mình: “Không nên ghen với người thua mình, bởi, vậy là tự hạ thấp mình!”. Đó là thứ khiến Minh nhẹ nhõm hơn mỗi khi đêm về, nghĩ đến hắn đang giang tay vỗ về giấc ngủ cho vợ hắn, bởi, mụ chả có gì bằng Minh - sắc đẹp, trí tuệ, vị trí… Rồi chính Minh lại tự làm mình mệt mỏi khi ghen tuông với những cô gái quanh hắn - vẫn chẳng ai bằng Minh. Hắn đa tình, “máu me” và tởm lợm. Đó là lý do hắn luôn dán mắt mình vào ngực mấy con tiếp viên rẻ tiền - ngay cả trước mặt Minh. Đó là lý do hắn luôn bỡn cợt với những cô gái khác quanh hắn bất kỳ khi nào hắn có cơ hội - cũng ngay cả trước mặt Minh… Cái lý thuyết về ghen người hơn mình của Minh thành mục ruỗng, vô nghĩa! Minh hạ mình đi ghen với mấy con điếm rẽ tiền!

Hắn cũng ghen, ghen kinh khủng. Hắn ghen với tất cả đàn ông quanh Minh. Nhưng, hắn không bao giờ nói rằng hắn ghen, hay những từ đại loại như vậy. Mỗi khi ghen, hắn hay bảo: “Bên em, anh thấy mình nhỏ bé quá! Thôi thì em cứ cho họ cơ hội, có lẽ, họ sẽ làm em hạnh phúc hơn anh!”. Mỗi lần hắn nói vậy, lòng Minh lại chông chênh. Minh thấy sợ! Sợ mất hắn! Sợ chạm đến tự ái của hắn… Và, thế là, Minh thu mình lại, không quan hệ, không tiếp xúc với bất kỳ người đàn ông nào có chút “dấu hiệu” khiến hắn có thể ghen! Minh cứ tưởng, như vậy sẽ làm hắn yên tâm, sẽ làm hắn hiểu lòng Minh hơn để yêu Minh hơn!... Tất cả cũng chỉ là “tưởng”!

*****

Vợ hắn nói như gào vào điện thoại: “Không biết nhục hay sao đi giựt chồng người ta?

”. Minh cười khẩy, bình thản trả lời: “

Tội nghiệp, ghen với người hơn mình, thấy bất lực lắm, nhỉ?

”. Minh thấy thương mụ. Dù gì cùng là đàn bà, Minh hiểu cảm giác của mụ. Nhưng, Minh ghét ai xúc phạm Minh, cho dù, Minh đang là người có lỗi. Thêm nữa, Minh khinh cái hành động của hắn khi cho vợ hắn số điện thoại của Minh - một kiểu để chứng minh hắn vô tội - để vợ hắn có cơ hội sỉ vả Minh.

Đàn bà, khi ghen, đâu nhất thiết phải gào thét, phải dọa nạt “đối thủ” của mình. Với Minh, bây giờ, chỉ còn là cuộc đấu trí, đấu sức, đọ sự tinh ranh, khôn khéo giữa Minh và mụ vợ của hắn. Bất chấp, bất cần… hay phó mặc, buông xuôi, tất cả đều là những động - tính từ mang nhiều hơi hám của sự bất lực, yếu kém! Minh không yếu kém, nên, Minh phải thể hiện khác!

Sau cuộc điện thoại với vợ hắn, Minh ân cần hơn, nhỏ nhẹ hơn, ngọt ngào hơn. Minh chiều chuộng hắn đến mức, đã có lúc, hắn tưởng mình là ông hoàng. Minh đã cấy ình cái suy nghĩ, rồi, hắn sẽ phải biết, cái Minh thật sự hơn những người đàn bà khác là gì. Hắn chẳng biết! Chẳng bao giờ hắn biết! Bởi, đàn ông - và đặc biệt là hắn - luôn nghĩ rằng, thứ họ nhận được là điều nghiễm nhiên họ phải được, chả có gì là “hy sinh” của người khác cả!

Sau khoảng thời gian chiều chuộng hắn, Minh phát hiện ra, mỗi ngày, Minh một yêu hắn nhiều hơn… và, Minh ghét mình vì điều đó! Hắn không đáng! Nhưng, giá mà tình yêu cũng là thứ có thể kiểm soát được như mọi thứ khác trong đời Minh. Tình yêu, nó là gì, Minh không biết nữa! Minh chỉ biết, những gì Minh hoạch định - Minh luôn lập kế hoạch ọi thứ trong đời Minh mà - đều không thể thực hiện trước hắn. Không lời giải thích nào, ngoài ba chữ: Minh yêu hắn!

Mẹ nhắc khéo Minh nhiều lần về mộ mối quan hệ không vững chãi. Minh chối bay biến. Không phải Minh sợ đối diện với những gì mình đang cần đối diện. Minh không thừa nhận với mẹ, chỉ vì, tiếng đời tai ác, mẹ sẽ đau khi biết rõ hoàn cảnh cuộc tình Minh, bởi, mẹ cứ đau đớn và lo sợ bởi cái câu: “Con gái sống nhờ đức cha!

”.

*****

“Nếu anh biết em phản bội anh, nếu để anh ghen thật sự… thì…

” - hắn bỏ lửng câu nói. Mình tròn mắt nhìn hắn. Hắn có quyền có hai người đàn bà trong đời, còn Minh thì không! Vô lý! Bất công!

Hắn giãn hẳn ra khỏi Minh từ sau lần vợ hắn gọi điện thoại “dằn mặt” Minh. Minh cố chạy theo, hắn cố tránh né! Hai đường thẳng song song thì làm sao gặp được nhau chứ? Đâu là vô cực, hả Minh? Hai điểm cùng di chuyển với cùng vận tốc trên con đường một chiều, sao Minh cứ tin rằng, sẽ có lúc điểm sau đuổi kịp điểm trước? Khờ quá, Minh ạ!

Mãi, đến khi Minh biết mình hoàn toàn bất lực. Khi Minh khẳng định mình chỉ còn là cái bóng mờ nhạt trong đời hắn, Minh nghĩ đến chuyện “trả thù”. Kế hoạch hoàn hảo xoay quanh ba từ “ngoại tình”, “ghen” và “trả thù” được Minh lập ra chi tiết. Hắn ngoại tình. Vợ hắn ghen. Minh trả thù… Tay ba trong cuộc tình éo le - như bao cuộc tình vụng trộm khác - khắc khoải chờ đợi cái kết tốt cho Minh - cái kết không thể có bao giờ!

Minh lục lọi trí nhớ của mình, rõ mồn một, về tất cả những gì hắn đã thì thào vào tai Minh những ngày xưa còn mặn nồng, khi Minh gối đầu trên tay hắn, thiêm thiếp ngủ. Minh nhớ! Nhớ rõ! Rất rõ! Về đứa con ngoài ý muốn vợ hắn ràng buột hắn. Về những cuộc ái ân chóng vánh, nhạt nhẽo không có đến một nụ hôn giữa hắn và vợ hắn. Về những cơn say cố tránh né vợ của hắn. Về những thứ liên quan đến hoàn cảnh mà hắn phải vin vào để gán hai từ “trách nhiệm” ình… Và, Minh bình thản, trơ tráo đến tìm vợ hắn.

Kết quả là cơn khóc tức tưởi của vợ hắn! Kết quả là sự phẫn giận vợ hắn muốn trút lên Minh nhưng không thành! Kết quả là cái cụp mắt hèn hạ của hắn!... Minh không sợ! Đau thể xác, nhanh qua. Tâm hồn Minh đau thế này, thêm chút cơn đau thể xác, có đáng gì? Minh kiêu hãnh đối diện với mụ vợ của hắn - người đàn bà thua Minh về tất cả mọi mặt - bởi, Minh tin chắc rằng, mình hơn hẳn “đối phương” và trên hết là Minh yêu hắn hơn mụ.

Minh ra về. Bình thản đón nhận cảm giác đau đớn. Bình thản đón nhận những giọt nước mắt của chính mình… Nhưng, làm sao Minh có thể bình thản trước tiếng thở dài của mẹ?

*****

Sau cuộc trả thù ấy, vợ hắn không bỏ hắn - hẳn nhiên rồi - điều này thì Minh biết trước, biết rất rõ. Và, Minh cũng không cho hắn bỏ Minh. Ràng buột một người đàn ông không khó! Nếu hai từ “ràng buột” đó chỉ giữ ở mức độ thể xác họ phải ngày ngày dẫn tới gặp nhau, nhạt nhẽo trong từng câu nói với nhau. Điều đó không quan trọng! Điều quan trọng hơn là Minh không để cho hắn toại nguyện với suy nghĩ thoát ra khỏi Minh.

Kế hoạch tiếp theo lại được Minh tỉ mẫn lập ra. Cũng là kế hoạch xoay quanh đến “ngoại tình”, “ghen” và “trả thù”. Lần này, người ngoại tình sẽ là Minh, người trả thù vẫn sẽ là Minh, và hắn phải là người ghen. Ghen nhưng không thể thể hiện!

Hàng đêm, Minh vỗ giấc ngủ của mình bằng cái khát khao tởm lợm, nhục nhã của một con đàn bà thiếu đói tình dục. Và, cái gì đến sẽ phải đến! Minh ngoại tình! Minh tự do, hoang dại bằng tất cả bản năng của mình, chìm đắm trong nỗi hoang lạc tìm thấy ở người đàn ông mới. Gã đàn ông mới này thỏa mãn cho Minh tất cả những gì Minh hằn trông chờ ở gã. Từ cái nắm tay, đến cái ôm, cái hôn và cả những bản năng thể xác… Minh thấy toại nguyện! Không phải chỉ bởi dục vọng được thỏa thê. Minh toại nguyện bởi Minh đã ngoại tình…

Minh tìm đến hắn, háo hức kể cho hắn nghe cơn trụy lạc đêm qua của mình. Hắn nghe. Bình thản. Không cảm xúc. Câu chuyện của Minh kết ở chỗ: “Khi tỉnh dậy, em nhận ra, dáng người đó là anh, nhưng… người đàn ông vừa ân ái cùng em, không có khuôn mặt!

”…

13. Như tiếng dương cầm

Truyện ngắn của Nguyễn Huyền Trang

Tôi hay có những giấc mơ dài, yên ả, nối tiếp nhau từ ngày này sang ngày khác, gắn kết với nhau ko hề lỏng lẻo. Và tôi vẫn dựa vào đó để an ủi mình trong cuộc sống đầy phức tạp mà tôi đang sống.Tôi đã từng nghĩ rằng, mình đang mắc một chứng bệnh gì đó. Tôi ko tin vào những câu chuyện hoang đường. Nhưng chẳng thể chối bỏ khi chính mình trở thành nhân vật chính trong đó.Đôi khi, tôi sợ mình đã phụ thuộc vào những giấc mơ quá nhiều. Nhưng tôi lại không muốn làm gì, để thoát khỏi sự phụ thuộc ấy. Phải chăng, người ta vốn không thể và không muốn thoát ra ngoài sự dịu dàng bao bọc mình quá lâu?

****

Tôi đã từng có một người anh, song sinh. Ngoại tôi kể, khi chúng tôi ra đời, người làng tránh xa gia đình tôi bởi vì chúng tôi là một cặp song sinh khác giới. Họ nói chúng tôi sẽ gây ra tai họa ọi người. Lớn lên tôi nghĩ những suy nghĩ mê tín đó thật buồn cười.

Bố mẹ tôi cũng vậy, họ gạt bỏ hết những lời dọa nạt rằng, nếu không tách chúng tôi ra, hoặc không đi cắt tiền duyên cho tôi thì 2 đứa con sẽ chẳng sống nổi. Nhưng tôi và anh cứ thế lớn lên. Lớn lên trong những dị nghị, lớn lên trong những mê tín, những hủ tục của xóm làng. Mọi người ai cũng nói chúng tôi là 2 đứa trẻ không bình thường, ít nói, trầm tính, chỉ biết chôn vùi thời gian tuổi thơ của mình vào những nốt nhạc. Mẹ tôi là một giáo viên dạy piano.

Năm 7 tuổi, anh tôi chết đuối. Chỉ là một tai nạn mà chẳng ai ngờ tới. Hàng xóm xì xào, chỉ chỏ. Bố tôi im lặng, mặt mày tái nhợt. Mẹ tôi khóc vật trước quan tài anh, chẳng cho ai phúng viếng, các bác tôi vào mẹ đều lắc đầu: “Các bác đừng vào, con em đang ngủ!”. Thỉnh thoảng mẹ lại cầm dao gọt gọt quả xoài, lấy khăn lau ảnh thờ và dỗ dành: “Dương dậy ăn xoài này, đừng ngủ lâu thế con”.

Khi mọi người trong gia đình dần dần chấp nhận sự thật, thì cuộc sống lại quay lại quy trình vốn có của nó. Tôi vẫn đi học mỗi ngày. Mẹ tôi bao bọc tôi luôn luôn. Hình như bà sợ phải mất thêm một điều gì đó. Tên Lê Ngọc Dương bị xóa khỏi danh sách lớp. Lúc ấy tôi thấy hụt hẫng đến nỗi khi cô điểm danh đến tên Lê Ngọc Vĩ, tôi im lặng không thể nói được lời nào. Rồi điểm danh cô giáo cũng chẳng gọi tên tôi nữa, cô thường nhìn tôi và gập sổ lại. Tôi lặng lẽ thu mình trong góc lớp học nhỏ bé.

Tôi vẫn gặp anh trong những giấc mơ. Chúng tôi vẫn cười khúc khích và chơi cùng nhau những bản nhạc hai đứa thích. Sáng tỉnh dậy, tôi vội lật chăn và chạy sang phòng anh. Tôi lục tung giường, rồi ngồi bệt xuống chân chiếc piano của anh mà gào khóc. Chiếc piano to, mặt gỗ lạnh cóng. Bố chạy vào bế tôi ra ngoài. Tôi vùng vẫy và cào xé tay bố xước dài từng đường. Sau hôm đó mẹ khóa phòng của anh lại và dấu chìa khóa đi. Khi ấy, tôi mới dần nhận ra sự mất mát quá lớn lao mà mình phải đối mặt, tôi đã quen có anh bên cạnh từ khi còn ở trong bụng mẹ. Mẹ tìm mọi cách dạy tôi phải chấp nhận, Mãi đến sau này khi lớn thêm một chút, tôi mới tự ép lòng mình rằng, không có thói quen thì không có điểm yếu.

***

Bố tôi bắt đầu uống rượu, uống nhiều hơn bao giờ hết. Lúc đầu tôi thấy bố hay ngồi trong phòng và nhấp từng ngụm rượu trắng. Rồi bố cầm cả chai, ngồi nghe những bản sheet mà ngày trước mẹ tập cho hai anh em tôi và uống. Rồi dần dần tôi thấy không lạ gì những hình ảnh bố khật khưỡng cầm chai rượu đi khắp nhà vào ban đêm. Đến một ngày, bố giật tung cánh của xếp nhà vệ sinh và xông vào phòng ngủ đập lên tục vào mặt mẹ. Tôi hốt hoảng chạy đến ôm mẹ gào khóc. Cánh cửa cứ quất vào tay tôi nóng rát. Bố tôi vừa đánh, vừa gằn lên giận dữ: “Trả con cho tao”. Mắt bố đỏ lõi. Mắt tôi nhòe đi, hoa lên không biết gì nữa.

Khi ấy, tôi 9 tuổi.


Phan_1
Phan_2
Phan_3
Phan_4
Phan_5
Phan_6
Phan_8
Phan_9
Phan_10
Phan_11
Phan_12
Phan_13
Phan_14
Phan_15
Phan_16 end
Phan_gioi_thieu
Nếu muốn nhận thông tin bài viết mới của trang thì like ở dưới hoặc truy cập trực tiếp CLICK

TRANG CHỦ
Truyện Teen   Ngôn Tình   Đam Mỹ   Bách Hợp   Mẹo Hay   Trà Sữa   Truyện Tranh   Room Chat   Ảnh Comment   Gà Cảnh   Hình Nền   Thủ Thuật Facebook  
Facebook  Tiện Ích  Xổ Số  Yahoo  Gmail  Dịch  Tải Opera  Đọc Báo 

Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian

C-STAT .